Nguyễn Thị Anh Hoa: tháng 8 2020

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Lệnh hành pháp của tổng thống Trump liệu có vi hiến?


Vài tiếng đồng hồ sau khi tổng thống ký ba văn bản ghi nhớ và một lệnh hành pháp, chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi đã lên tiếng một cách mạnh mẽ rằng những pháp lệnh này sơ sài, yếu kém và vi hiến (meager, weak and unconstitutional).

Vậy liệu pháp lệnh này có vi phạm tinh thần của hiến pháp không? Dựa vào đâu để tổng thống ban hành chúng? Và, kết luận của bà Nancy Pelosi được đưa ra dựa trên lý luận nào?

Với một đất nước pháp trị như Mỹ, không có vấn đề bất hợp lý nào có thể tồn tại lâu dài, nhất là dưới khía cạnh luật pháp. Tôi tin rằng để đi đến kết luận ai đúng ai sai sẽ không dễ dàng như cách những lời nhận xét được đưa ra.



Trong bốn nội dung trong các lệnh hành pháp của tổng thống, trợ cấp thất nghiệp và cắt thuế trong lương là vấn đề gây tranh cãi giữa các bên.

Việc cho rằng lệnh hành pháp của tổng thống vi hiến dựa trên tinh thần của hiến pháp về quyền hạn và trách nhiệm của quốc hội đối với ngân sách liên bang. Theo đó, quốc hội chịu trách nhiệm về thu chi ngân sách liên bang, bao gồm thu ngân sách, trao quyền thu thuế, vay tiền và phê duyệt chi tiêu.

Đảng dân chủ cho rằng tổng thống đã vượt quá quyền hạn của mình trong việc tự quyết định khoản trợ cấp thất nghiệp $300/tuần. (Khoản trợ cấp $100/tuần từ tiền các tiểu bang là không khả thi vì hầu hết các tiểu bang đều đang cạn kiệt ngân sách. Tin mới nhất cho biết rằng bộ lao động đã thông báo là các tiểu bang có thể không chi ra khoản này.)

Ngoài đảng Dân chủ, thượng nghị sĩ Ben Sasse (R-Neb.) được cho là người phản ứng gay gắt với các lệnh hành pháp này dù ông thuộc đảng cộng hòa. Ông cho rằng việc cắt giảm thuế - nguồn thu ngân sách, phải được quyết định bởi quốc hội. Ông nhấn mạnh rằng không có tổng thống nào, dù mang tên Obama, Trump, hay Biden, được phép đơn phương viết lại luật nhập cư, cắt giảm thuế, hay tăng thuế. Đó là vì nước Mỹ không có vua.

Theo phía tổng thống, Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, vừa là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Ông được quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và được phép ban hành các pháp lệnh hành pháp thích hợp. Quốc hội và Tòa án Liên bang chỉ có thể bãi bỏ các lệnh hành pháp nếu nó vượt quá phạm vi quyền hạn của tổng thống.

Tuy tổng thóng không được quyền quyết định chi tiêu ngân sach, nhưng tổng thống có một số thẩm quyền nhất định để điều chuyển tiền qua lại giữa các hạn mục trong phạm vi ngân sách liên bang. Tổng thống quyết định tái phân bổ 44 tỷ đô la cho việc trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ cứu trợ thảm họa của Bộ An ninh Nội địa. Đây là số tiền dành cho việc viện trợ khẩn cấp khi có thiên tai như bão, lụt hoặc cháy rừng. Điều này tương tự như những gì đã xảy ra năm ngoái, Trump đã từng dùng ngân sách quân đội để chi tiêu cho việc xây bức tường dọc theo biên giới Mehico dù vướng rất nhiều phản đối.

Về vấn đề thuế trong lương, hiện nay quyết định cuối cùng vẫn còn bỏ ngõ, bởi lẽ Trump mới cho hoãn chứ không phải cắt thuế. Việc cắt thuế thực sự nhất thiết thuộc về quốc hội.

Việc ban hành các mệnh lệnh hành pháp, phía tổng thống đã biết trước rằng sẽ nhận được sự phản đối từ phe dân chủ và của cá nhân các đảng viên Cộng hòa. Họ chắc chắn cũng tính đến việc có thể bị kiện ra tòa án liên bang hoặc bị phủ quyết từ quốc hội.

Trong một cuộc họp báo, Trump tuyên bố: "Bạn luôn bị kiện. Mọi thứ bạn làm bạn đều bị kiện. Nhưng mọi người cảm thấy rằng chúng tôi có thể làm được."

Để trả lời cho sự phản đối của đảng Dân chủ và cả thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse, bộ trưởng tài chánh Steven Muchin đã cảnh báo rằng phía ông đã tham khảo ý kiến từ văn phòng cố vấn pháp lý liên bang tất cả các khía cạnh pháp lý liên quan. Nếu đảng Dân chủ muốn đem việc này ra tòa, họ cũng phải tốn nhiều công sức để giải thích việc mình làm.

Mọi phán xét chính thức còn đang ở phía trước.

-By Jenny Nguyen
-#AbcPhapLuatMy
-#AbcKinhTeMy