Nguyễn Thị Anh Hoa: KIẾN THỨC ĐẾN TỪ SÁCH

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

KIẾN THỨC ĐẾN TỪ SÁCH

- Bạn là người rất thích đọc sách ?
- Bạn cảm thấy mình học hỏi rất nhiều kiến thức từ sách ?

Tôi cũng như bạn. Tôi là người rất ham đọc sách. Từ thuở nhỏ, tôi đã nhận ra rằng mình rất muốn có thêm nhiều kiến thức, tôi cảm thấy mình " đói" chữ.

Khi bắt đầu biết đọc, vào năm 1979, khi tôi vào lớp một, tôi đã ngày đêm đọc bất cứ chữ nào lướt qua mắt tôi, kể cả những thứ tôi không hiểu gì. Tôi đọc hết cuốn tập đọc lớp 1 của tôi, tôi mượn thêm tất cả sách của anh và chị tôi. Khi anh tôi đọc bài học thuộc lòng, bao giờ tôi cũng thuộc trước dù chẳng cần giở sách ra đọc bài đấy nằm ở trang nào.

Kế đến, nguồn chữ của tôi là từ các tờ giấy báo - thường được người ta gói bánh mì hay gói xôi, tôi đi đâu cũng lượm giấy về đọc. Ba tôi rất tức giận vì tôi đọc cả báo của "Cộng sản". Ông cấm tôi đọc bất cứ thứ gì ngoài các quyển sách tập đọc. Ông sợ đầu óc các con bị "đầu độc". Mặc dù tôi thừa hưởng tính ham học hỏi từ ông - một người giáo viên chế độ cũ.

Thế nhưng cuốn tập đọc ấy tôi gần như thuộc lòng và luôn cảm thấy "đói". Tôi lén ông đi mượn những anh chị lớn các loại giấy có chữ mà họ có, từ sách, báo, truyện. Tôi cũng lén ông lên sân thượng ngồi đọc hằng tiếng đồng hồ. Có lúc tôi ngồi dưới gốc trụ đèn công cộng vàng vọt để đọc và có lẽ tôi bị cận sớm cũng vì như thế vì nhà tôi không ai bị cận và cũng đâu có xem TV hay chơi game nhiều như trẻ em bây giờ.

Khi tôi học lớp 3, một anh hàng xóm của tôi có quầy cho thuê truyện - vào thời điểm đó, các loại sách in trước 1975 đều bị cấm, các quầy thuê truyện mọc lên với vài cuốn sách mới, còn hầu hết cất giữ bên trong là các sách cũ. Thấy tôi ham đọc sách, anh cho tôi lục tìm các cuốn sách anh có và không tình tiền. Tôi lo sợ nhất khi đọc sách là sợ ba tôi phát hiện. Ông tuyên bố trước là sẽ xé bất cứ thứ gì tôi đọc trừ sách giáo khoa.

Tôi đã 2 lần bị xé truyện mượn được, nhìn tôi nước mắt ngắn, nước mắt dài, anh hàng xóm cho qua mọi chuyện. Từ đó tôi không dám đem truyện về nhà đọc.

Tôi đọc rất nhanh và không từ một chủng loại nào cả, lúc đó, phổ biến nhất có hai loại sách mà nhiều người tìm thuê là sách truyện văn học nước ngoài như : Nữ tu sĩ, Không gia đình, Đồi gió hú, Jenny Ghechac, Lâu đài người bán nón, Phi trường, .... và  truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung : Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Cô gái Đồ long, Tiếu ngạo giang hồ,..và cả những truyện tranh như Xì trum, Phong thần,...
 
Truyen van hoc nuoc ngoai cu xua 198x
Các tác phẩm văn học nước ngoài

Các đầu truyện này thường rất dày- vài trăm trang, và có khi có nhiều tập,...ở lớp 6 tôi đã đọc  những cuốn  truyện rất dày như Muối của đất của tổng thư ký hội nhà văn Liên xô G.Mac-cốp , và  Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro của văn hào Hemingway, ....mặc dù tôi không hiểu lắm về thâm ý của tác giả

Thú thật lúc đó, tôi gần như bị cuốn vào truyện chứ chưa thấy ích lợi nào rõ ràng. Nhưng càng về sau, tôi nhận ra rằng những kiến thức tôi có được đến từ các cuốn truyện này chứ không phải sách. Vào thời đó, nói về sách thì chỉ có vài cuốn học làm người của dịch giả Nguyễn Hiến Lê như Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Đắc nhân tâm, ... tôi cũng có đọc nhưng tôi chỉ giải quyết phần "đói chữ" chứ không rút ra bài học gì cho mình.

Ngược lại, những cuốn thuần là truyện, được ghi rõ ở ngoài là tiểu thuyết tôi lại rất say mê. Thế giới trong tôi rộng lớn dần, tôi hiểu biết về hệ thống phi trường từ khi đọc cuốn Phi trường, tôi hiểu về nhà tu kín qua cuốn Nữ tu sĩ, tôi hiểu về tầm quan trọng của ngôn ngữ khi đọc Quo Vadis, Hội chợ phù hoa...

Và một cách tự nhiên, tôi cũng hấp thu văn hóa lãng mạn của Tây phương với những cách nhìn mà bình thường mình nghĩ rất hời hợt nhưng thẳm sâu trong họ là sự cao cả trong tình yêu dù người ngoài có thể đánh giá là mù quáng.

Lớn lên một chút, các bạn trong lớp tôi bắt đầu có vụ đổi truyện để đọc và bàn luận. Có thể cấp 2 tôi học lớp chuyên Văn nên lúc nào cũng có sách đọc từ các bạn. Lúc này tôi và chúng bạn cũng bắt đầu đọc các tiểu thuyết tình cảm của bà Tùng long (mẹ nhà văn Nguyễn Đông Thức): Bóng người xưa, Mẹ chồng nàng dâu,.. hay các tiểu thuyết của nhà văn Ngọc Linh : Đôi mắt người xưa, Hoa nở về đêm, Nắng chiều,...

Lớn hơn một chút, mọi người lại chuyền tay nhau đọc các cuốn tiểu thuyết diễm tình thì tôi lại bắt đầu đọc truyện của các nhà văn Cách mạng như Nguyễn Mạnh Tuấn, Dương Thu Hương, Nguyễn Đông Thức với các tác phẩm : Đứng trước biển, Cù lao tràm, Yêu như là sống, Hành Trình ngày thơ ấu, Những thiên đường mù, Ngọc trong đá,...

Cac tac pham cua nha van Nguyen Manh Tuan
Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn

Cac tac pham van hoc cua nha van Duong Thu Huong
Các tác phẩm của nhà văn Dương Thu Hương

Bên cạnh đó, các tác phẩm mang hơi thở tình yêu học trò cũng chạy vào mắt tôi như : Tình nhỏ làm sao quên, Tôi Thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương,...của Đoàn Thạch Biền ; Còn chút gì để nhớ, Mắt biếc, Truyện cổ tích dành cho người lớn,.. của Nguyễn Nhật Ánh.

Truyen thoi ao trang cua nha van Đoan Thach Bien
Truyện thời áo trắng của nhà văn Đoàn Thạch Biền

Không nhớ hết bao nhiêu dòng sách đã làm tôi say mê kể cả tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện văn học hay gần đây là sách dạy làm người, sách dạy làm giàu, sách tâm linh,... Thế nhưng tôi đọc rồi thì rất dễ quên, kiến thức nào, quan điểm nào tôi chấp nhận được thì tôi ảm thụ như kiến thức của mình, còn phần nào không ấn tượng sẽ trôi qua luôn... 

Thế nhưng những kiến thức từ những cuốn sách đọc vài chục năm trước đôi khi tôi vẫn thấy hãy còn lưu một cách sâu đậm trong tâm trí mình. Không biết có ai giống mình không ?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét