Cuộc đời của mỗi người là chuỗi những bài học nối
tiếp nhau. Có những bài học chúng ta tự “ngộ” ra nhưng cũng có nhiều bài học được
truyền giảng hay dẫn dắt từ những vị thầy.
Thầy ở đây được hiểu trong phạm
vi rất rộng không giới hạn chỉ với người thầy trong học đường thông thường. Đó
là những vị hiểu biết hơn ta về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên,
người thầy quan trọng nhất trong chuỗi quá trình học hỏi của cả đời người chúng
ta là những vị thầy tâm linh.
Thông thường đã gọi là thầy thì
chúng ta một mực kính trọng và đôi khi xem như thần tượng. Chính vì vậy hầu như
đối với những người thầy trong cuộc đời, chúng ta thường rất khe khắt về chuẩn
mực đạo đức theo nghĩa thông thường nhất.
Chính vì thế, người thầy trong mắt
ta hầu như không được sai ( dĩ nhiên là dưới góc nhìn của mình). Có rất nhiều
người khổ sở, hụt hẫng, mất lòng tin vào
những điều tốt đẹp đã được truyền dẫn trước đó của các vị thầy khi phát hiện ra
những yếu tố tiêu cực.
Chính tôi cũng đã từng mất phương
hướng khi phát hiện những vị thầy mà mình luôn đặt ở vị trí hình mẫu để noi
theo có những chi tiết khúc mắc. Bài học của mỗi người chính là đây.
May thay, tôi đã tìm thấy lời dạy
của đức Phật : ta giảng pháp như ngón tay chỉ trăng. Điều
chúng ta cần thấy là vẻ đẹp từ trăng, không phải từ ngón tay. Ngón tay – hay người
thầy kia chỉ là phương tiện để ta thấy mặt trăng, chân lý cuộc sống.
Từ đó, một khi ta đã nhận ra chân
lý thì cứ mạnh dạn hướng tới và quên đi tính chất của phương tiện nhận biết.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta sau khi đến đích thì xem thầy như không
tồn tại.
Trái lại, ta có thể mở rộng tâm mình khi không chấp nhất vị thầy của
mình – vẫn là một con người bình thường như mình. Ngay các vị đanng khoác áo tu
cũng vậy. Họ có những bài học cần trãi qua, đó là con đường riêng, là nghiệp
riêng của mỗi người. Mọi phán xét của chúng ta không làm họ xấu hay tốt hơn mà
sẽ giảm mất giá trị bài học mình cần hướng tới.
Nguyễn Thị Anh Hoa – Jenny Nguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét